Ngay cả khi lực lượng lao động hiện tại của công ty bạn không có nhiều các nhân viên tài giỏi, việc giữ chân các nhân viên hiện tại của bạn hầu như luôn luôn là tối ưu hơn việc tìm kiếm các ứng viên mới — xét cho cùng, họ biết doanh nghiệp của bạn hoạt động như thế nào và bạn cũng biết họ là người thế nào. Nhưng như các HR đã biết, giữ chân nhân viên có thể là một trong những phần khó nhất của việc quản lý nhân sự của một tổ chức hay công ty.

Để giúp bạn xây dựng giá trị doanh nghiệp của mình và duy trì một đội ngũ mà bạn có thể tin tưởng, chúng ta sẽ cùng bàn luận và đi sâu vào ba thành phần chính giúp giữ chân nhân viên:

  • Lương thưởng và phúc lợi (Compensation)
  • Thăng tiến trong sự nghiệp (Career Path)
  • Văn hóa doanh nghiệp (Culture)

1. Lương Thưởng

Chi phí thay thế nhân viên

Việc tìm kiếm và thuê đúng nhân viên không chỉ tốn kém về tiền bạc, công sức mà còn về thời gian và hiệu suất công việc. Ở Mỹ, các công ty phải mất từ 36 đến 42 ngày để tìm được ứng viên phù hợp và chi phí trung bình là 4,425 đô la cho mỗi lần thuê mới. Sau đó, doanh nghiệp cũng mất thêm chi phí và thời gian và năng suất suy giảm trong quá trình giới thiệu và đào tạo cho người mới thuê — không có gì lạ khi một nhân viên mới mất sáu tháng trước khi họ quen thuộc với vai trò mới của mình.

Chưa hết, mặc dù các nhà tuyển dụng đã quá quen với chi phí cao của việc thay thế nhân viên, họ vẫn miễn cưỡng tăng lương ngang với mức tăng 14,8% mức lương mà nhân viên trung bình nhận được khi nhảy việc. Nếu nhân viên của bạn biết rằng họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu tìm một công việc mới, vậy tại sao họ nên ở lại với bạn?

Tăng lương giúp giữ chân nhân viên

Chiến lược ở đây là tăng lương thường xuyên, thưởng và công bằng. Những thay đổi về chi phí sinh hoạt và xu hướng chuyển dịch việc làm có thể khiến bạn tụt hậu trong cuộc cạnh tranh nếu bạn không xem xét mức lương đang trả thường xuyên. Mặc dù việc trả lương công bằng có thể dẫn đến tăng chi phí, nhưng chi phí tuyển dụng và đào tạo lại một nhân viên có xu hướng cao hơn nhiều. Tiền được chi để cải thiện tỷ lệ giữ chân là số tiền được chi tiêu một cách hiệu quả và cũng là một cách tuyệt vời để thể hiện công ty của bạn đánh giá cao nhân viên của mình như thế nào.

Ngoài ra, hãy cân nhắc phúc lợi nhỏ bên cạnh lương thưởng tài chính để tăng phúc lợi cho nhân viên của bạn. Ví dụ:

  • Quà hoặc tiền thưởng trong các mùa lễ hội (Tết, Trung Thu, 8/3)
  • Tặng phiếu mua hàng, đi chợ, thẻ hội viên của các dịch vụ
  • Các gói bảo hiểm sức khỏe cá nhân hay gia đình

Đây là tất cả các yếu tố mà nhân viên của bạn sẽ cân nhắc có nên nghỉ việc hay không . Hãy xem xét một ví dụ trong bối cảnh: Một công việc tương tự ở một công ty khác trả thêm tổng cộng 50 triệu VNĐ mỗi năm. Tuy nhiên, công việc mới này không cung cấp các gói bảo hiểm sức khỏe gia đình mà nhân viên đó có thể đang sử dụng. Sự khác biệt đó có thể là lý do thuyết phục để nhân viên của bạn ở lại thêm một thời gian dài.

Và sau đây là những lợi ích tâm lý của việc tăng lương thưởng, bao gồm:

  • Gắn kết: Khi nhân viên của bạn được trả lương cao, họ cảm thấy được trân trọng, điều này dẫn đến sự hài lòng trong công việc và hiệu suất cao hơn.
  • Ổn định tài chính: Họ có nhiều thu nhập khả dụng hơn để đầu tư vào nhà ở và du lịch.
  • Trung thành và tin tưởng: Họ tin tưởng bạn sẽ tiếp tục tăng lương cho họ, điều này giúp họ tránh được lạm phát và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng sự ổn định tài chính của họ.
  • Thương hiệu của công ty: Những nhân viên vui vẻ, gắn bó và trung thành cũng có nhiều khả năng giới thiệu những ứng viên chất lượng cao cho doanh nghiệp của bạn. Ngoài ra, họ cũng giúp nâng cao hình ảnh của công ty bạn là một công ty thành đạt, ăn nên làm ra, phúc lợi cao.

Trả mức lương phù hợp – tương xứng ngay từ ngày đầu

Việc thiết lập sự công nhận thành quả cho nhân viên về giá trị của họ đòi hỏi phải bắt đầu với lời đề nghị làm việc với đãi ngộ phù hợp. Mặc dù việc trả giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh với mức lương cao hơn có thể giúp thu hút được ứng viên, nhưng điều đó sẽ không cải thiện khả năng giữ chân nhân viên lâu dài nếu giá ban đầu của bạn vượt quá ngân sách của bạn và không có chỗ cho việc tăng lương. Chế độ đãi ngộ hoạt động hiệu quả nhất khi người sử dụng lao động và nhân viên phù hợp với nhau về giá trị đóng góp của nhân viên và tiềm năng trong tương lai của họ — một quá trình bắt đầu bằng việc tuyển dụng đúng cách và tiếp tục thông qua các cuộc trò chuyện về lương thưởng một cách nhất quán và thích hợp.

2. Con đường thăng tiến sự nghiệp cho nhân viên

Là con người, chúng ta cần mục đích và sự đi lên trong cuộc sống — trong sự nghiệp của mình, chúng ta muốn cảm thấy mình đang đóng góp cho một điều gì đó đáng giá và được cảm thấy như chúng ta đang tiến về phía trước. Ngay cả khi bạn đang tăng lương thường xuyên cho nhân viên của mình, họ vẫn có nhiều khả năng bỏ việc nếu họ không cảm thấy như tổ chức đang đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp của họ.

Đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên

Tiến lên phía trước không hoàn toàn có nghĩa là thăng chức cho nhân viên. Hãy nghĩ ra nhiều cách hơn để phát triển các kỹ năng của nhân viên và cho họ cơ hội để áp dụng chúng vào thực tế.

Bước đầu tiên là giúp mỗi nhân viên phát triển một con đường sự nghiệp được xác định và cá nhân hóa. Con đường này nên được xác định với sự tham vấn của nhân viên và nên kết hợp một số điểm tiêu chí có thể đánh giá được. Ví dụ: giúp nhân viên có các chứng chỉ trong lĩnh vực thích hợp, phục vụ cho công việc.

Hơn bất cứ điều gì, bồi dưỡng văn hóa học hỏi cho phép nhân viên cho công tybiết họ cần phát triển những gì. Dưới đây là một số gợi ý để hỗ trợ sự phát triển của nhân viên:

  • Khuyến khích họ tham gia các hội nghị và khóa đào tạo nơi họ có thể gặp gỡ các đồng nghiệp bên ngoài tổ chức.
  • Mời các chuyên gia trong các lĩnh vực để đào tạo hoặc thuyết trình cho các nhóm có liên quan.
  • Cung cấp hỗ trợ học phí cho các chứng chỉ chuyên môn, đào tạo liên ngành hoặc các chương trình giáo dục sau đại học.

Đầu tư vào thành công lâu dài của nhân viên chứng minh cho họ thấy rằng bạn coi trọng công việc của họ và luôn tận tâm để thăng tiến sự nghiệp của họ. Và bằng cách đào sâu hoặc mở rộng các kỹ năng của nhân viên hiện tại, bạn cũng đang xây dựng giá trị kinh doanh đồng thời trở nên linh hoạt hơn trước sự thay đổi của thị trường. Khi nhân viên của bạn không trì trệ, doanh nghiệp của bạn cũng vậy.

Tại sao công ty nên thăng chức nội bộ thay vì thuê ngoài các vị trí quản lý.

Đầu tư vào sự nghiệp của nhân viên cũng có nghĩa là đưa ra cam kết thúc đẩy từ bên trong. Mặc dù nhân viên nội bộ của bạn có thể thiếu một số kinh nghiệm mà các ứng viên bên ngoài đã có được, việc thăng chức nội bộ giúp bạn tiết kiệm chi phí phải tìm kiếm, đánh giá lại và thuê một ứng viên bên ngoài. Khi có liên quan đến kinh nghiệm, hãy ghi nhớ điều này: bất kỳ thời gian và nỗ lực bổ sung nào bạn bỏ ra để đưa một nhân viên hiện tại tăng tốc trong vai trò mới đều có thể được bù đắp bởi kiến thức về thể chế và văn hóa mà họ đã biết.

Ngoài việc tuyển dụng nội bộ, bạn cũng có thể tạo thêm lòng trung thành bằng cách thể hiện rằng tổ chức của bạn trung thành với nhân viên của mình. Công nhận nhân viên của bạn khi họ thăng tiến trong sự nghiệp. Đối với mỗi cột mốc quan trọng hoặc sự hoàn thành dự án thành công, hãy ghi nhận và khen ngợi một cách rộng rãi. Sự thừa nhận lớn lao về thành công của họ sẽ giúp nhân viên của bạn cảm thấy được mọi người biết đến công sức của họ và được đánh giá cao.

3. Văn hóa công ty

Trong ba trụ cột của việc giữ chân nhân viên, cho đến nay văn hóa là yếu tố quan trọng nhất. Một nhân viên sẽ ở lại với văn hóa của công ty ngay cả khi lương thưởng không cao bằng giá trị thị trường đang trả, nhưng một người đủ giỏi sẽ không ở lại lâu với công việc với mức lương cao nếu văn hóa ở đó độc hại.

Nếu bạn muốn nỗ lực giữ chân của mình thực sự có hiệu quả, những gì tổ chức của bạn nói phải đồng điệu với những trải nghiệm thực tế của nhân viên— và điều đó phụ thuộc vào việc xem xét lại và tập trung vào việc tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp tích cực cho mọi người.

Bắt đầu với định nghĩa đúng về văn hóa công ty

Thật hấp dẫn khi ai đó nói với bạn rằng việc xác định văn hóa doanh nghiệp là “một dự án” chỉ diễn ra một lần — chỉ cần tìm những từ hoàn hảo để đưa vào áp phích và logo công ty, và sứ mệnh đã hoàn thành! Bây giờ bạn đã có một phương châm để có thể thao giảng về và sử dụng để tập hợp mọi người, phải không? Không dễ như vậy đâu!

Mặc dù chắc chắn điều quan trọng là phải xác định các giá trị, sứ mệnh và tầm nhìn của công ty, nhưng tất cả những điều này đều làm nền tảng cho văn hóa công ty, nhưng văn hóa liên quan nhiều hơn những gì mà bất kỳ ai trong ban lãnh đạo hoặc quản lý nói.

Ví dụ, thật dễ dàng để nói rằng một tổ chức coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng cần nhiều tâm huyết và lập kế hoạch thiết lập các hoạt động để nhân viên có thể làm việc theo tiêu chuẩn đó và vẫn cảm thấy thoải mái khi đi về vào cuối ngày.

Thông điệp chung chung về các giá trị doanh nghiệp có thể khiến nhân viên cảm thấy như văn hóa của bạn áp dụng cho một số đối tượng, không phải cho tất cả, có thể tạo tiền đề cho những so sánh và không hài lòng giữa các nhân viên. Việc này không giúp cải thiện khả năng giữ chân nhân viên.

Tìm sự cân bằng văn hóa phù hợp với công ty của bạn

Văn hóa doanh nghiệp, cốt lõi của nó nằm ở việc phải kết hợp được các nhu cầu con người của nhân viên với nhu cầu tài chính và hoạt động của tổ chức của bạn. Điều này có nghĩa là khám phá mức độ phức tạp của những tương tác này và điều chỉnh các chính sách khi các giá trị của người sử dụng lao động và nhân viên xung đột. Nó có nghĩa là làm việc với mọi bộ phận và nhóm để xác định giá trị của bạn ảnh hưởng như thế nào đến các chi tiết cụ thể của công việc hàng ngày của họ.

Khi bạn đánh giá và trau dồi văn hóa của mình, hãy bắt đầu với những khía cạnh sau của nơi làm việc:

  • Giao tiếp: Tổ chức của bạn cởi mở như thế nào đối với phản hồi từ người quản lý đối với nhân viên và từ nhân viên đối với tổ chức? Nhân viên của bạn có cách ẩn danh để đưa ra những lời đánh giá hoặc đề xuất không?
  • Trách nhiệm giải trình: Làm thế nào để tổ chức của bạn bắt mọi người phải chịu trách nhiệm về hiệu suất của họ? Phẩn thưởng hay hình phạt của việc hoàn thành công việc tốt hay thất bại trong hoàn thành công việc là như thế nào?
  • Tính cộng đồng: nhân viên có tương tác với nhau không? Tổ chức của bạn ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng địa phương của bạn và hơn thế nữa?

Nếu bạn không có một nền văn hóa doanh nghiệp được xác định rõ ràng, hãy bắt đầu bằng cách hiểu cách nhân viên của bạn nhìn nhận nó ra sao. Cân nhắc thực hiện một cuộc khảo sát ẩn danh để đặt câu hỏi về trải nghiệm của họ, chẳng hạn như:

  • Nhân viên có nghĩ rằng công ty có văn hóa doanh nghiệp tốt và cởi mở?
  • Họ có cảm thấy được hỗ trợ trong vai trò của mình không?
  • Họ có cảm thấy bị quản lý quá chặt không?

Bằng cách nhìn thấy văn hóa của bạn như thế nào, bạn có thể định hình tốt hơn nó theo những gì bạn muốn. Cuối cùng, để tăng tỷ lệ giữ chân, bạn cần tạo ra và duy trì một nền văn hóa lành mạnh, với sự hỗ trợ và chào đón. Không một đặc quyền, áp phích, bài thuyết trình hay phần thưởng nào có thể bù đắp cho sự thất bại trong xây dựng văn hóa daonh nghiệp, bởi vì văn hóa là trải nghiệm tổng thể mà nhân viên cảm thấy khi đi làm hằng ngày.

Chọn phương thức giữ chân nhân viên của bạn

Nếu cam kết doanh nghiệp của bạn với mức thù lao cao hơn, con đường sự nghiệp rõ ràng hơn và văn hóa mạnh mẽ hơn là điều có vẻ khó thực hiện, hãy xem xét các hậu quả nếu bạn không có 3 trụ cột đó: tỉ lệ nghỉ việc cao, chảy máu chất xám và đội ngũ phân tán. Và rõ ràng là khi một doanh nghiệp không cam kết với ba trụ cột trên thì thông tin đó sẽ lan truyền nhanh chóng trên các trang web đánh giá công ty và phương tiện truyền thông xã hội — và không ai muốn ở lại trong một tổ chức không lành mạnh. Trong thị trường lao động hiện nay, người lao động đang có lợi trong cán cân thương lượng, điều quan trọng hơn bao giờ hết là giữ được những nhân viên có giá trị mà bạn đang có.

Ba trụ cột nêu trên yêu cầu nhiều công sức nhưng chúng đáng để đầu tư. Khi bạn hoàn toàn cam kết với thành công chung của nhân viên, họ sẽ cam kết lâu dài với bạn. Bạn sẽ có những nhân viên chỉ trở nên có giá trị hơn theo thời gian và những người đóng góp vào nền văn hóa hỗ trợ, lành mạnh mà bạn muốn nuôi dưỡng. Bằng cách liên tục đưa ra mức lương cao hơn và lợi ích tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nhân viên của bạn sẽ không có lý do gì để bắt đầu tìm kiếm một công ty mới. Họ sẽ hạnh phúc, cân bằng và hài lòng về tổng thể với công việc của mình. Và bạn sẽ thấy khả năng giữ chân nhân viên được cải thiện khi những lo lắng về thiếu hụt nhân sự đã trở thành dĩ vãng.